Sau 24 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam – Brunei ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả và ổn định. Mặc dù kim ngạch thương mại còn hạn chế nhưng Brunei đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư tiềm năng và đáng tin cậy của Việt Nam. Điều này phản ánh trong quan hệ kinh tế hai nước cả về quy mô và gia tăng tốc độ phát triển kinh tế.
Đặc biệt, chuyến thăm Brunei của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự kiến sắp tới ngoài mục đích kỷ niệm quan hệ đối tác giữa hai nước còn thúc đẩy tầm nhìn chung của tương lai.
Đối tác tin cậy
Theo Bộ Công Thương, Brunei là thị trường nhỏ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này thể hiện qua kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Brunei chỉ vài triệu USD/năm và chủ yếu là Việt Nam xuất siêu sang thị trường này.
Nhưng tính đến hết tháng 6/2016, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 17 triệu USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 8,4 triệu USD chủ yếu là hàng thủy sản và gạo. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Brunei là 8,7 triệu USD chủ yếu là hóa chất.
Thương vụ Việt Nam tại Brunei cho biết, mặc dù khác nhau về diện tích, dân số, văn hoá, nhưng Việt Nam và Brunei có quan điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Đây là tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước. Cùng với đó, hai nước đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Việt Nam và Brunei cũng đã tham gia tích cực, chủ động, có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN cũng như trong việc xác định tương lai phát triển, phương hướng hợp tác và các quyết sách lớn của ASEAN. Điều này góp phần tăng cường đoàn kết, nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế.
Trong những năm qua, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao như Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Brunei năm 2001, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm năm 2007… Quốc vương Hassanal Bolkiah thăm Việt Nam và tham dự các hội nghị: ASEAN, ASEM, APEC vào các năm 1998, 2004, 2006.
Không dừng lại ở đó, hai nước cũng đã có nhiều cơ chế hợp tác và ký kết nhiều Hiệp định, thỏa thuận song phương; trong đó, quan hệ kinh tế thông qua việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, hội thảo giới thiệu tiềm năng kinh tế của mỗi nước được tổ chức thường xuyên.
Đặc biệt, hai bên cũng đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Bản ghi nhớ về hợp tác thể thao và thanh niên, Bản ghi nhớ về hợp tác dầu khí… Đây là những văn kiện sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, dầu khí và thể dục-thể thao.
Chính vì vậy, chuyến thăm Brunei của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng đoàn cấp cao sẽ mở rộng hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có nhiều tiềm năng phát triển như: thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục đào tạo, nông nghiệp, dầu khí, thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, thâm nhập thị trường tại Brunei. *Giữ vững thị trường
Mặc dù Việt Nam được phía Brunei mong muốn đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, nuôi trồng thủy sản để thúc đẩy việc hợp tác và hai bên dự kiến sớm có hiệp định hợp tác.
Tuy nhiên, theo nhận định từ phía các chuyên gia thương mại, bất kỳ một kênh hội nhập nào, cơ hội bao giờ cũng nhiều hơn thách thức nếu không các nước sẽ không hội nhập. Tuy vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp ASEAN nói chung và Brunei nói riêng phải hạn chế những thách thức và tăng cường những cơ hội có được khi đã là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Đưa ra khuyến cáo với doanh nghiệp, các chuyên gia thương mại cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp… để giữ vững thị phần trong nước đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.
Quan trọng nhất là cần chủ động tiếp cận nguồn thông tin để tận dụng tốt việc lưu thông hàng hóa từ việc cắt giảm thuế quan trong ASEAN, chủ động tìm hiểu các thị trường trong khu vực ASEAN.
Để tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Brunei, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả dựa trên việc phân tích và đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức, vị thế của doanh nghiệp hiện tại và đích cần đạt tới…
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thì việc thực hiện một chiến lược marketing xuất khẩu sang thị trường Brunei là điều phải tính đến trước tiên.
Đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu bền vững sang thị trường này và cũng là góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.
(Nguồn: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN)