Giá dầu giảm mạnh kéo theo sự sụt giảm nguồn thu, đe dọa hệ thống trợ cấp xã hội và tiềm ẩn nhiều bất ổn tại Brunei.
Trong đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính từ 2008-2015, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp chỉ tương đương với 15.7% GDP. Tính riêng năm tài chính 2015-2016, thâm hụt ngân sách của Brunei được dự tính khoảng 16% GDP. Với đà suy giảm kinh tế không thế tránh khỏi, Brunei có thể trở thành một trong các quốc gia giàu nhất châu Á có tương lai phát triển ngày càng mờ mịt.
Giữa cơn bão giảm giá dầu, Brunei đang nhanh chóng trở thành nạn nhân của sự phụ thuộc kinh tế quá mức vào ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch
Chủ yếu dựa vào dầu mỏ
Gần 96% giá trị xuất khẩu của Brunei là dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm liên quan, nhiều hơn so với Saudi Arabia, Kuwait hay United Arab Emirates.
Hiện nay, Brunei là quốc gia giàu thứ 4 thế giới, dựa trên GDP bình quân đầu người, theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Việc đẩy mạnh khai thác nguồn dầu mỏ của Brunei trong nhiều năm qua chưa bị hạn chế đã cung cấp nguồn kinh phí dồi dào để chính quyền nước này không áp thuế thu nhập, thuế doanh thu đối với người dân địa phương, cung cấp giáo dục miễn phí cho tới bậc đại học và trợ cấp nhà ở.
Tuy nhiên, thời hoàng kim này nay đã qua khi giá cho một thùng dầu trên toàn cầu đã giảm mạnh tới 40% kể từ tháng Giêng năm 2015 và 78% từ mức đỉnh năm 2008. Kể từ khi doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm tới hơn 95% sản lượng xuất khẩu, trong 3 năm qua, GDP của Brunei đã dần bị thu hẹp.
Thu nhập từ dầu mỏ chiếm tới 90% doanh thu chính phủ và thu nhập ngân sách năm tài chính 2014-2015 đã giảm 70% so với năm 2012-2013. Ngân sách 2015-2016 cũng được tính toán cắt giảm 6.4 tỉ USD, khoảng 4% so với năm trước. Nhưng xu thế này được cho là sẽ ngày càng mở rộng hơn nữa..
“Trên một khía cạnh nào đó thì Brunei là một trong những quốc gia may mắn nhất trên trái đất, bởi vì họ là một đất nước nhỏ với rất nhiều dầu,” Todd Wilcox, giám đốc điều hành của HSBC Brunei cho biết. “Nhưng trên phương diện khác, đây cũng là điều không may, bởi vì họ không còn gì khác.”
Thiếu nỗ lực phát triển
Trước đó, Brunei đã công bố chiến lược phát triển- Tầm nhìn Brunei 2035 để xây dựng các thành phần khác của nền kinh tế, không dựa trên dầu khí. Nhưng cho đến nay, rất ít nội dung đã được thực hiện. Một số khu công nghiệp đã được xây dựng, nhưng hiện tại, nhiều nơi đã bị bỏ hoang.
Và thay vì tập trung vào những nỗ lực để phát triển những ngành công nghiệp khác ngoài dầu mỏ và khí đốt, Brunei đã lựa chọn tiếp tục khai thác dầu nhiều hơn. Theo Brunei Times, tháng 7 năm 2015, Bộ trưởng Năng lượng, thuộc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Brunei, cho biết rằng, những chiến lược và chính sách phát triển tương lai của Bộ này được đưa ra trong Sách trắng năng lượng quốc gia năm 2014 sẽ không thay đổi, bất chấp sự trượt dài của giá dầu thế giới.
Trong bài phát biểu đón năm mới 2016, Quốc Vương đương nhiệm, Hassanal Bolkiah, đã vạch ra nhiều kế hoạch lớn về phát triển hạ tầng, tuy vậy các nỗ lực thu hút đầu tư này sẽ trở thành vô vọng nếu các công ty nước ngoài vẫn gặp nhiều trở ngại khi hoạt động tại nước này.
Theo Ngân hàng Thế giới, Brunei xếp thứ 84 về môi trường kinh doanh trong giai đoạn 2011-2015 (thấp hơn mức trung bình của khu vực châu Á- Thái Bình Dương là 61). Khoảng 70-80% công dân nước này làm việc trong chính quyền hoặc các doanh nghiệp công, theo FT Confidential Research, do vậy khó mong chờ vực dậy được kinh tế từ nguồn lực trong nước.
Đối mặt áp lực cạnh tranh
Trong khu vực, nền tài chính Brunei còn chịu sức ép không nhỏ từ Malaysia, vốn cũng là một điểm thu hút tài chính của đạo Hồi, và Indonesia cũng đang có nhiều nỗ lực phát triển thành một trung tâm tài chính mới.
Trong lĩnh vực du lịch, năm 2014, Brunei đã gây sửng sốt cả thế giới trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu áp dụng đạo luật Hồi giáo Sharia gây nhiều tranh cãi. Điều này có thể khiến một số khách du lịch e ngại khi đến một quốc gia cấm rượu và không cho phép tổ chức lễ Giáng sinh.
Không chỉ vậy, với tỷ giá một đổi một với đồng tiền Singapore như hiện nay, Brunei đã trở thành một trong những nơi sinh sống và làm việc đắt đỏ nhất trong khu vực ngày cả vào thời điểm kinh tế trì trệ như lúc này. Việc duy trì một tỷ giá hối đoái tốn kém như vậy sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn hiện nay của Brunei.
Dòng chảy của lao động nước ngoài và nguồn vốn sẽ không phải là mối quan tâm duy nhất của các nhà hoạch định chính sách nước này khi họ phải đối mặt với triển vọng kinh tế nội địa ảm đạm. Còn người lao động có kĩ năng của Brunei đang có xu hướng chuyển dịch ra các khu vực tránh bị chính quyền Hồi giáo can thiệp.
Nhiều hệ lụy
Có thể nói, doanh thu từ dầu mỏ sụt giảm đã dẫn đến sự “căng thẳng cấp tính” về tài chính của đất nước. Chính sách trợ cấp xã hội hào phóng nay sẽ khó có thể kéo dài khi đối mặt với thâm hụt đang gia tăng. Sự cắt giảm như vậy có thể sẽ khiến công chúng tức giận do trong nhiều thập kỉ qua đã quen hưởng lợi nhuận dồi dào từ nguồn dầu khí.
Quốc vương Brunei, với khối tài sản ước tính trị giá 27 tỉ USD có thể sẽ phải ở vào vị thế khó khăn khi giải thích cho người dân về sự cần thiết phải thực hiện chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng. Và bất cứ dấu hiệu bất ổn định nào cũng sẽ cản trở việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Brunei.
Trừ khi Brunei có thể nhanh chóng tìm ra một giải pháp tốt hơn để trở nên vượt trội so với những người hàng xóm “thu nhập trung bình” như Malaysia và Thái Lan, cũng như trấn an được người dân của mình về vị thế của nước này trong khu vực Đông Nam Á, Brunei có thể rơi vào một tình thế tuyệt vọng.
Có lẽ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được kí kết gần đây có thể là một lối thoát về kinh tế, nhưng là nền kinh tế nhỏ nhất trong 12 quốc gia thành viên, kết quả đàm phán được cho là không mang lại nhiều lợi ích cho Brunei.
Theo Triển vọng năng lượng thế giới của BP, dự trữ dầu của Brunei được dự tính sẽ cạn kiệt trong vòng 22 năm nếu không có nguồn dự trữ mới được phát hiện.
Tuy nhiên, với vị trí địa lí trung tâm tại một khu vực ngày càng quan trọng, nền chính trị ổn định cùng với một lượng lớn dân số thông thạo tiếng Anh và tiếng Hoa cũng như không chịu ảnh hưởng của các thảm họa, như động đất, sóng thần, núi lửa thì rõ ràng Brunei nên tận dụng những nguồn lợi “không cạn kiệt” này.
Chuông đồng hồ liên tục kêu vang, thúc giục Brunei đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế bền vững, năng động theo Tầm nhìn quốc gia 2035.