Cùng là hai nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam và Brunei có nhiều thế mạnh để hợp tác phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Việt Nam và Brunei đang tiếp tục đề ra các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế – thương mại, đầu tư, quốc phòng-an ninh, dầu khí, nông nghiệp và văn hóa, giáo dục.
Dầu mỏ, khí đốt chiếm 80% tổng thu nhập Brunei
Nằm bên bờ Tây Bắc đảo Borneo, Vương quốc Brunei không chỉ nổi tiếng về nguồn tài nguyên dầu mỏ, mà còn được biết đến là quốc gia của những cung điện xa hoa tráng lệ, những đền đài cổ kính, những thánh đường lộng lẫy và cả những lễ hội tưng bừng của người Hồi giáo.
Là một nền kinh tế có quy mô nhỏ, song Brunei là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới. Với nguồn tài nguyên phong phú về dầu lửa và khí đốt, Brunei có một nền kinh tế vững mạnh và là một trong những nước giàu nhất ở châu Á. Brunei cũng là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Malaysia; sản xuất khí đốt hóa lỏng lớn thứ tư thế giới. Dầu hoả và khí đốt chiếm 80% tổng thu nhập trong nước và 90% thu nhập về xuất khẩu.
Với nguồn thu nhập rất lớn từ xuất khẩu dầu khí và dân số rất ít, Chính phủ Brunei có điều kiện thực hiện một số chính sách phúc lợi xã hội cao như công dân không phải đóng thuế thu nhập; giáo dục, chữa bệnh, ma chay không mất tiền; cấp học bổng cho học sinh giỏi được đi học ở nước ngoài; cho nhân dân vay tiền với lãi suất thấp để kinh doanh, sản xuất hay mua nhà ở với giá rẻ.
Tuy nhiên, chính vì cơ cấu kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn dầu mỏ và khí đốt nên nhiều ngành nghề kinh tế khác của Brunei lại không được chăm lo phát triển. Tính riêng về thương mại, Brunei phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa, nhất là máy móc và lương thực, thực phẩm. Trước thực trạng đà lao dốc của giá dầu trong vài năm trở lại đây, chính phủ Brunei đang tìm cách đa dạng hóa các ngành kinh tế để duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao, cũng như bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2017, Brunei đã thành lập sàn chứng khoán mới để thúc đẩy thị trường vốn.
Chính phủ cũng cho triển khai sáng kiến lớn Kết nối Tem-bu-rông, không chỉ kết nối hai miền của đất nước, mà còn xây dựng một trung tâm sản xuất lớn, tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng du lịch… Chính phủ nước này cũng đã đề ra Kế hoạch Tầm nhìn 2035 nhằm tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, nhằm đạt mục tiêu trở thành “nền kinh tế ổn định, năng động” vào năm 2035.
Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Brunei
Việt Nam và Brunei chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 29-2-1992. Trong suốt 25 năm qua, mối quan hệ hữu nghị và truyền thống giữa hai nước luôn được lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng xây dựng và vun đắp.
Trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Brunei đạt nhiều kết quả khởi sắc, với kim ngạch thương mại hai chiều giai đoạn 2010-2015 tăng hơn 3 lần, từ 24,2 triệu USD năm 2010 lên 73,7 triệu USD năm 2015. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 97,7 triệu USD. Mặc dù vậy, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện Việt Nam xuất sang Brunei chủ yếu là hàng thủy sản và gạo, nhập khẩu từ Brunei chủ yếu là hóa chất. Hai bên phấn đấu sẽ đưa kim ngạch song phương lên 500 triệu USD vào năm 2025.
Về đầu tư, tính đến tháng 1-2017, Brunei có 217 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,4 tỷ USD, đứng thứ 20/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Trong thời gian tới, hai nước đang rất nỗ lực đề ra các giải pháp tăng cường thúc đẩy quan hệ song phương nhằm hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại đạt mốc 500 triệu USD vào năm 2025. Việt Nam hoan nghênh Brunei đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, tham gia các dự án hợp tác đối tác công-tư (PPP), năng lượng, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, chế biến thực phẩm xuất khẩu ở Việt Nam. Việt Nam cũng mong muốn phía Brunei tạo điều kiện cho các công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia các dự án thăm dò, khai thác và cung cấp các dịch vụ dầu khí chất lượng cao tại Brunei bởi đây là lĩnh vực mà hai bên có nhiều thế mạnh và tiềm năng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng hy vọng Brunei sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý sản phẩm cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam theo tiêu chuẩn cho người Hồi giáo (Halal).
Với những tín hiệu ổn định của nền kinh tế vĩ mô, sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, kết quả tích cực cho cải cách môi trường đầu tư, nhất là sự hợp tác tin cậy, hiệu quả giữa hai nước đã được vun đắp qua 25 năm qua, chắc chắn quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại Việt Nam-Brunei sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới./.
Theo TTXVN