Mức sống ở Brunei cực kỳ đắt đỏ không thua gì chi phí du học Đức. Thuê một phòng khoảng 6 – 9m2 cũng phải tốn khoảng 300 đô la Brunei (BND)/tháng. Với số tiền lương trung bình từ 400- 600 BND/tháng, việc người lao động Việt Nam thuê được nhà đàng hoàng là gần như không tưởng.
Chi tiêu đắt đỏ
Anh chị em công nhân ở đây phần lớn ở ngay tại công trường, nông trường. Đồ ăn mua về tự nấu một tháng hết khoảng 100 BND. Tiền đi lại, điện nước, điện thoại một tháng hết khoảng 50 BND. Số tiền còn lại các anh chị dành dụm gửi về nhà trả nợ. Được biết để sang được Brunei, mỗi người lao động phải bỏ một khoản không nhỏ, có khi lên tới cả chục ngàn BND để trả cho công ty môi giới làm thủ tục.
Tuy nhiên, số người bị các Cty ma bỏ rơi như anh Dũng không ít. Có những người tìm được việc, nhưng lại bị quỵt lương. “Chuyện quỵt lương ở đây xảy ra như cơm bữa”, anh Nga, quê ở Nghệ An, cho hay. Anh Thành, một trong những người tôi gặp, cho biết Cty đầu tiên anh làm cách đây hai năm vẫn còn nợ anh ba tháng tiền lương (tương đương 1.000 BND).
Phải có tay nghề, biết tiếng
Qua những ngày sống cùng với nhiều lao động Việt Nam, tôi thấy khả năng ngoại ngữ của hầu hết anh chị em rất hạn chế nên phải cố lắm mới hiểu yêu cầu công việc, chứ đừng nói đến chuyện giao tiếp với người bản địa hay lao động đến từ nước khác.
Chị Yến cho hay, đáng lẽ khi sang mỗi người phải dành 6 tháng để học tiếng, nhưng vì lười và muốn kiếm tiền ngay nên mọi người toàn ra đi làm luôn. Phương tiện đi lại không có, nên mọi người cũng chỉ loanh quanh công trường, chợ, rồi về chỗ trọ. Bạn bè thì chỉ có mấy người Việt Nam chơi với nhau.
Theo các anh chị, ở Brunei, nếu có tay nghề, biết tiếng và chịu khó làm ăn cũng có thể để dành tiền gửi về nhà. “Nhưng nhất định phải có tay nghề và biết tiếng”, chị Yến khăng khăng. Ngôn ngữ chính ở Brunei là tiếng Malaysia, nhưng biết tiếng Anh hay tiếng Trung cũng được vì phần lớn chủ thuê là người gốc Trung Quốc và Malaysia.
Về công việc, theo anh Mỹ, nên chọn nghề hàn xì, điện tử, xây dựng bởi lương cao, lại được làm trong công xưởng, nhà máy. Những nghề làm nông hay lâm nghiệp thì tuyệt đối không nên sang, bởi lương thấp (chỉ khoảng 11 BND/ngày) lại rất dễ mắc bệnh vì “muỗi rừng nhiều lắm”.
Các anh chị cũng cho hay, nếu lương trong hợp đồng được trên 18 BND/ngày là sống được, thấp hơn nữa thì chịu. Nhưng chuyện xuất khẩu lao động sang Brunei cũng rủi ro lắm, bởi theo các anh chị thì không có cách nào biết trước được Cty môi giới có lừa mình hay không. Có người sang vài năm rồi vẫn chưa trả được nợ.
Khi tôi ra về, anh Nga còn nói với theo: “Em viết bài thì nhớ câu anh dặn: Có tay nghề với biết tiếng mới sang. Không thì khổ lắm, không ai thuê đâu”.
Chia tay những người lao động Việt Nam ở Brunei, tôi vừa buồn vừa vui. Buồn vì cuộc sống còn khó khăn. Vui vì thấy người Việt Nam đi đâu cũng giữ được sự thân thiện, hiếu khách và gắn bó. Tôi nhớ như in lúc chị Yến mở lon bò húc, có lẽ anh chị để dành từ khá lâu, chỉ rót cho tôi chứ không rót cho ai khác.
(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)
(Nguồn: www.tienphong.vn)