Tại hội thảo ung thư Việt – Pháp lần thứ 2 với chuyên đề ung thư phổi, PGS.TS Bùi Diệu – nguyên Giám đốc Bệnh viện K – cho hay ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả hai giới.
Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.170 người tử vong do ung thư phổi.
Theo GLOBOCAN 2018, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mới mắc và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.170 ca tử vong do căn bệnh này.
TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K, cho hay hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh ung thư phổi hiện nay, trong đó, nguy cơ tăng lên theo số lượng thuốc hút, thời gian và tuổi bắt đầu hút thuốc.
Theo điều tra GATS 2015, nước ta có hơn 15,6 triệu người đang hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành nam giới là 45,3%, nữ giới 1,1%. Đặc biệt, 53,5% người không hút thuốc (tương đương 28,5 triệu người) bị hút thuốc thụ động trong nhà, 36,8% (trên 5,9 triệu người) bị hút thuốc thụ động nơi làm việc.
Theo TS Quang, nếu hút 1-9 điếu thuốc/ngày, khả năng mắc ung thư phổi ở nam giới là 4,6%, nữ giới 1,3%; 10-19 điếu/ngày, con số này tăng lên 8,6% ở nam, 2,4% ở nữ; với 20-30 điếu ngày, nam giới dễ mắc ung thư phổi tới 14,7%, nữ là 4,9%.
Người hút một bao thuốc/năm trong 40 năm nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với người không hút thuốc. Người hút thuốc lá thụ động cũng tăng 26% nguy cơ mắc căn bệnh này.
Tuy nhiên, khi bỏ hút thuốc, tỷ lệ mắc bệnh sẽ giảm. Theo TS Quang, người dừng hút thuốc dưới 5 năm có nguy cơ mắc ung thư phổi 16%, nhưng với người bỏ từ 10-19 năm, nguy cơ giảm còn 5%, trên 40 năm chỉ còn 1,5%.
Để dự phòng ung thư phổi, chuyên gia khuyến cáo nên chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp một năm một lần đối với người từ 55-74 tuổi và hút thuốc lá từ 30 điếu/ngày trở lên hoặc người bỏ thuốc với thời gian dưới 15 năm.
Thực tế, tại Bệnh viện K, 2/3 số bệnh nhân mắc ung thư phổi được phát hiện, đến viện điều trị ở giai đoạn muộn. Khi đó, đã xuất hiện đầy đủ các biểu hiện của bệnh như tức ngực, ho, khó thở, khả năng điều trị ở giai đoạn sớm (phẫu thuật) không cao mà phải điều trị xạ trị, hóa chất…
Liệu pháp mới trong điều trị ung thư phổi
Tại Việt Nam, các liệu pháp mới trong điều trị nội khoa, đặc biệt là việc áp dụng liệu pháp điều trị trúng đích trong điều trị ung thư phổi đã mang lại những kết quả khả quan.
Đặc biệt, gần đây nhất là liệu pháp điều trị miễn dịch được một số bệnh viện áp dụng, đây là một tiến bộ lớn của y học giúp kéo dài thêm cuộc sống, cải thiện chất lượng sống cho những bệnh nhân mắc ung thư phổi ở giai đoạn muộn.
Hội thảo ung thư Việt – Pháp lần thứ 2 diễn ra trong 3 ngày 7-9/11, gồm các nội dung: công bố hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng và ung thư phổi tại Việt Nam; cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, chiến lược sàng lọc, phân loại giai đoạn bệnh, chẩn đoán mô bệnh học, các tiến bộ trong phẫu thuật và xạ trị, các liệu pháp hóa trị, trúng đích, miễn dịch trong ung thư phổi.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực y tế rất được quan tâm cụ thể hơn là có rất nhiều sự hợp tác, mở rộng cũng như là những sự cộng tác để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế từ các quốc gia khác vào Việt Nam như là Hội thảo ung thư Việt – Pháp, Phòng khám Ung bướu Singapore – Việt Nam,… Từ đó, các bệnh nhân mắc bệnh ung thư không phải mất quá nhiều chi phí vẫn có thể được chữa trị bởi những đội ngủ y bác sĩ và môi trường điều trị đạt chuẩn quốc tế.