Việc ăn hôm nay không phải ngày hôm nay đã biết, mà ăn hôm nay, ngày mai cũng chưa biết, mà phải hàng chục năm sau mới biết rõ tác dụng và hiệu quả của nó tác động đến sức khỏe.
Phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trò chuyện với vị chuyên gia trong lĩnh vực ung thư để làm rõ hơn vấn đề này.
PV: Gần đây xuất hiện thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng “Đừng điều trị nếu bị ung thư”; “Ung thư đừng vội phẫu thuật”, “Bệnh nhân ơi, không nên đấu tranh với ung thư”, “Liệu pháp tự bỏ mặc phát triển trong điều trị ung thư”… Là một chuyên gia trong lĩnh vực ung thư, ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Trần Văn Thuấn: Đây là những phát biểu không có cơ sở khoa học, đi ngược lại nền tri thức khoa học y học đã được nghiên cứu, tổng kết và kiểm chứng qua hàng trăm năm.
Các phát ngôn ngược gây shock về y tế và sức khoẻ ngày nay không hiếm trên mạng xã hội, cách đây ít lâu là thông tin không cần tiêm Vaccine.
Đây chính là mặt trái của thời đại bùng nổ thông tin khi các nguồn tin không đúng có thể dễ dàng được lan truyền gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực vì không phải ai cũng có năng lực nhận định và kiểm chứng thông tin.
Những người đưa ra những phát ngôn này nghĩ gì khi đọc câu chuyện về Sylvia Kang 29 tuổi, bà mẹ 3 con, một blogger khá nổi tiếng người Brunei qua đời đáng tiếc vì ung thư vú do bỏ lỡ cơ hội điều trị chính thống, trong khi thời điểm phát hiện bệnh ở giai đoạn 1, nền ung thư học hiện đại hoàn toàn có thể kiểm soát tốt.
Khi cô nhận thức được điều này thì bệnh đã ở giai đoạn muộn di căn lan tràn, và không thể cứu chữa
Tại Việt Nam, đã có một thời gian cũng qua các phương tiện không chính thống nhiều bệnh nhân ung thư bỏ dở điều trị để theo các phương pháp điều trị không chính thống như thiên tiên dịch, cúng bái, aslem… và khi quay lại điều trị tại bệnh viện thì bệnh đã quá khả năng cứu chữa vì họ đã bỏ qua “thời gian vàng” để điều trị khỏi.
PV: Các thông tin trên được cho rằng lan truyền từ một vị bác sĩ người Nhật, chuyên về điều trị xạ trị cho bệnh nhân ung thư, cũng là người nổi tiếng tiên phong về liệu pháp điều trị bảo tồn vú nổi tiếng ở Nhật Bản.
Với bệnh ung thư vú, ông này cho rằng “Không cần cắt bỏ ung thư vú mà tự khỏi”, điều này trái ngược hoàn toàn so với nhận thức của đại đa số dân chúng nên rất thu hút sự chú ý của nhiều người đọc.
Vậy xin ông cho biết quan điểm của mình trong điều trị ung thư vú? Ông có lời khuyên gì cho người dân trong việc lựa chọn các phương pháp điều trị ung thư – đặc biệt là ung thư vú?
PGS.TS Trần Văn Thuấn: Trong y học thực chứng thì những ý kiến cá nhân theo kinh nghiệm chủ quan của các bác sĩ, chuyên gia là có giá trị thấp nhất trong khoa học, vì không cung cấp một bằng chứng khách quan nào, mà chỉ là những ý kiến cá nhân.
Ý kiến cá nhân không dựa trên dữ liệu khoa học thì thường mang tính chủ quan, cảm tính, kinh nghiệm chủ nghĩa. Đó là chưa kể một số chuyên gia phát ngôn nhằm mục đích phục vụ, mưu cầu lợi ích cá nhân chứ không vì khoa học.
Khi có chẩn đoán ung thư vú, người bệnh cần thông minh và sáng suốt, đến các cơ sở khám chữa bệnh ung thư chính thống và chuyên khoa.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần kiểm tra xem đúng nguồn thông tin đó từ bác sỹ điều trị ung thư hay không?
PV: Y học vẫn đưa ra các khuyến cáo rằng phát hiện sớm và điều trị ung thư kịp thời sẽ đem lại hiệu quả cao cho người bệnh. Song, có ý kiến cho rằng, “ung thư thật sự phát hiện sớm đi nữa cũng không có tác dụng…
Trong rất nhiều trường hợp, cần phải quan sát xem “tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư có được 10 năm không”, mới có thể phán đoán được rốt cuộc một bệnh nhân có được “điều trị khỏi“ không”? Điều này có cơ sở khoa học không thưa bác sĩ?
PGS.TS Trần Văn Thuấn: Bệnh ung thư nói riêng và bệnh tật nói chung nếu được phát hiện càng sớm thì chữa trị càng hiệu quả.
Sẽ hết sức tai hại nếu người dân tin vào những luận điệu không đúng quy chuẩn này, trong lúc toàn ngành ung thư đang ra sức vận động, truyền thông trong cộng đồng dự phòng, sàng lọc và phát hiện sớm ung thư.
Trên thực tế, tỷ lệ chữa khỏi ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bên cạnh giai đoạn bệnh là yếu tố then chốt phải kể tới loại ung thư, độ ác tính của từng trường hợp, thể trạng người bệnh, bệnh phối hợp…
Chiến lược phòng chống ung thư nói chung có 4 nội dung chính gồm: phòng bệnh; sàng lọc phát hiện sớm; tăng cường khả năng chẩn đoán-điều trị; và điều trị đau kết hợp chăm sóc giảm nhẹ nhằm nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư.
Đối với mỗi loại bệnh ung thư cụ thể, chúng ta có kế hoạch tổng thể chi tiết với các mục tiêu ưu tiên khác nhau.
Ví dụ, đối với ung thư phổi mục tiêu chính là phòng bệnh qua tuyên truyền bỏ hút thuốc, ung thư cổ tử cung gồm cả phòng bệnh bằng vắc xin, tình dục an toàn, phát hiện sớm bằng tế bào học âm đạo, soi cổ tử cung…
PV: Phẫu thuật được coi là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị triệt căn ung thư giai đoạn sớm.
Tuy nhiên, lại có dư luận nói “sau khi phẫu thuật xong, thể lực sẽ giảm xuống, cơ thể sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, và còn có thể mang lại những di chứng suốt đời không thể điều trị khỏi, chết trên bàn phẫu thuật cũng là chuyện thường có trong điều trị ung thư…
Một khi động dao phẫu thuật, tế bào ung thư sẽ bùng phát như một trận bão lửa, bùng nổ mạnh như mìn vậy”. Điều ngày khiến người bệnh lo lắng, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
PGS.TS Trần Văn Thuấn: Phẫu thuật có một số biến chứng nhất định, nhưng rất hạn hữu, đặc biệt là tử vong do phẫu thuật. So với lợi ích và hiệu quả điều trị mang lại, thì các nguy cơ này là rất nhỏ và chấp nhận được. Cũng tương tự việc đi máy bay, không ai vì nguy cơ tai nạn máy bay rơi 1/1000 mà không đi cả.
Còn quan điểm dân gian đụng dao kéo ung thư phát tán càng nhanh là quan điểm sai lầm kinh điển nhất, chúng tôi đã giải thích, đề cập nhiều lần.
Có thể dân gian quy nạp một số ít trường hợp sau phẫu thuật bệnh vẫn tiến triển nhanh để khái quát thành kinh nghiệm chung.
Trên thực tế bệnh bùng phát nhanh sau phẫu thuật có thể do đặc điểm bệnh rất ác tính, phẫu thuật không kiểm soát được hoặc có một tỷ lệ rất nhỏ người thầy thuốc đánh giá giai đoạn bệnh thiếu toàn diện trước mổ. Phẫu thuật triệt căn thường chỉ áp dụng cho bệnh giai đoạn sớm khu trú tại chỗ tại vùng.
PV: Một câu hỏi nữa liên quan đến vấn đề tăng cường miễn dịch liệu có hiệu quả trong việc phòng và điều trị ung thư không thưa bác sĩ? Có ý kiến cho rằng, “tăng cường hệ miễn dịch không có ích trong việc phòng và điều trị ung thư, thậm chí có thể nói là hoàn toàn không hiệu quả”.
PGS.TS Trần Văn Thuấn: Tăng cường miễn dịch luôn có hiệu quả hỗ trợ không những trong điều trị bệnh ung thư mà hầu hết các bệnh khác.
Tuy nhiên tăng cường miễn dịch bằng phương pháp nào mới là vấn đề đáng bàn. Những phương pháp chưa có dữ liệu khoa học chắc chắn, không có trong hướng dẫn, phác đồ, khuyến cáo quy chuẩn, thì không nên sử dụng.
Theo cafef.vn