Ung thư vú là nguyên nhân hàng đầu cướp đi cuộc sống tươi đẹp của nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, việc phòng ngừa căn bệnh này lại không hề khó như chị em vẫn nghĩ đâu. Hãy cùng khám phá các mẹo sau đây để tránh bị căn bệnh quái ác này “gõ cửa” nhé.
Cùng với căn bệnh ung thư cổ cung, ung thư vú ở chị em phụ nữ luôn là nỗi ám ảnh thường trực. Trước tình trạng tỉ lệ mắc ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng, thì việc phòng ngừa bệnh nên được chị em quan tâm hàng đầu. Vậy việc phòng ngừa ung thư vú có quá khó khăn? Có những lưu ý nào trong cuộc sống hàng ngày? Tất cả những thắc mắc đó sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Các cách phòng ngừa ung thư vú trong cuộc sống hàng ngày
Kiểm tra vùng ngực và vú thường xuyên
Thường xuyên kiểm tra ngực, vú là biện pháp được nhiều bác sĩ khuyên để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà. Đặc biệt, đối với những bạn có vòng 1 to thì các mô mỡ ở ngực thường khiến chúng ta khó phát hiện các khối u bất thường. Cách thủ công nhất là dùng tay sờ, nắn để xem có những dấu hiệu lạ như tiết dịch, sự co kéo, lõm da hay những thay đổi màu sắc trên vùng ngực.
Tìm hiểu tiền sử bị ung thư vú trong gia đình
Ung thư vú có liên quan đến nhiều đột biến gen, trong đó phổ biến nhất là đột biến gen BRCA1 và BRCA2. Những người mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 không chắc chắn sẽ mắc ung thư vú nhưng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường. Các đột biến gen này có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu trong gia đình có mẹ, cô, dì… bị ung thư vú sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các thành viên còn lại.
Dành từ 30 – 60 phút tập thể dục hàng ngày
Tập thể dục là một cách giúp bảo vệ và phòng ngừa ung thư vú rất hiệu quả. Bởi vì những bài tập thể dục sẽ giúp bạn kiểm soát cân nặng. Một nghiên cứu của ACS cho thấy những phụ nữ thường xuyên tăng cân thì có nguy cơ phát triển ung thư vú đến 40% so với bình thường.
Bởi vì khi tăng cân, sự gia tăng đột biến estrogen có thể kích thích sự phát triển của tế bào, và trong đó có ung thư vú. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention, những phụ nữ tập thể dục thường xuyên thì sẽ có tỷ lệ estrogen tốt cao hơn estrogen gây hại là 25%.
Ăn uống lành mạnh (Healthy Eating)
Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng (nhiều rau xanh, trái cây, ít chất béo bão hòa, ít rượu) được khuyến khích cho tất cả phụ nữ, vì nó có thể giúp ngăn ngừa nhiều dạng ung thư trong đó có ung thư vú.
Cụ thể, phân tích của các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan ở Boston, Mỹ chỉ ra rằng, phụ nữ ăn từ trên 5,5 khẩu phần trái cây và rau củ mỗi ngày giảm 11% nguy cơ phát triển ung thư vú so với những phụ nữ ăn dưới 2,5 khẩu phần.
Sinh con đầu lòng trước 35 tuổi và nuôi con bằng sữa mẹ
Những phụ nữ sinh con đầu lòng trước 35 tuổi và nuôi con bằng sữa mẹ liên tục trong 6 tháng đầu tiên có thể giảm 10% nguy cơ tử vong do ung thư vú.
Không tự ý sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh
Phụ nữ dùng thuốc điều trị nội tiết tố kết hợp estrogen và progesterone để điều trị các dấu hiệu và triệu chứng của thời kỳ mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư vú lên 24%. Khi muốn sử dụng phải có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
Giảm một số chất béo
Thực phẩm “công nghiệp” như bánh ngọt, bánh pizza, mỡ động vật, thịt xông khói, bơ… chứa nhiều chất béo “xấu” được gọi “trans” hoặc “hydrogénées” làm tăng nguy cơ ung thư vú. Một nghiên cứu của Inserm và Viện Gustave Roussy năm 2008 cho thấy tỷ lệ mắc ung thư vú tăng gần như gấp đôi ở những phụ nữ có lượng acid béo “trans” tăng cao trong máu.
Tầm soát ung thư – giải pháp phòng ngừa ung thư vú hiệu quả
Khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi ngờ là ung thư vú như: núm vú chảy máu hoặc tiết dịch bất thường, một cục cứng không đau ở vú, vùng da vú liên tục ngứa và phát ban, da vú sần vỏ cam… cần phải tìm đến các cơ sở y tế uy tín thăm khám ngay. Tuy nhiên, khi có các triệu chứng này, thường ung thư vú đã ở giai đoạn tiến triển – việc điều trị ung thư vú sẽ khó khăn và tốn kém hơn. Do vậy chị em phụ nữ cần thực hiện việc tầm soát ung thư vú định kỳ, kể cả khi không có các dấu hiệu bất thường để phòng ngừa nguy cơ ung thư vú.
Theo TS.BS. Trần Việt Thế Phương, Phó Trưởng khoa Ngoại 4, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bác sĩ hợp tác của Phòng khám ung bướu Singapore – Việt Nam (SV Cancer Center) chia sẻ trong chương trình Giao lưu thầy thuốc – bệnh nhân (tháng 6/2018): “Đối với ung thư vú tiên lượng bệnh sẽ phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh, bệnh càng được phát hiện sớm thì khả năng điều trị và phục hồi, bảo tồn là tối ưu nhất”. Cũng theo Trung tâm phòng chống Ung thư – Pháp thì cách đây 20 năm, tỷ lệ sống sót trung bình của những phụ nữ mắc ung thư vú là dưới 50% nhưng bây giờ là 90% nếu được phát hiện sớm.
Các phương pháp tầm soát ung thư vú phổ biến hiện nay có thể kể đến là: Định lượng nồng độ CA 15.3 trong máu để phát hiện nguy cơ ung thư vú, siêu âm tuyến vú, chụp nhũ ảnh, xác định đột biến gen BRCA1 & BRCA2.
Hi vọng với những chia sẻ trên chị em đã có được cho mình những kiến thức nhất định để phòng ngừa ung thư vú trong cuộc sống hàng ngày. Đừng chủ quan trước những dấu hiệu bất thường của cơ thể. Chúc chị em luôn mạnh khỏe, vui sống bên gia đình và những người thân yêu.