Được học tập tại một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới như Mỹ là ước mơ của rất nhiều học sinh sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, do khác biệt về văn hóa, địa lý, khí hậu và cả luật định giữa hai nước nên rất nhiều bạn không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu đến Mỹ du học. Hôm nay, chúng tôi sẽ giúp các bạn một số thông tin hữu ích để bạn chuẩn bị hành trang thật chu đáo lên đường du học Mỹ nhé!
Giấy tờ và tiền bạc
Giấy tờ
Bạn nên mang theo tất cả những gì liên quan tới nhân thân cá nhân và lưu lại một bản sao y hệt như vậy ở Việt Nam cho gia đình. Những giấy tờ bằng tiếng Việt nên đi dịch sang tiếng Anh và công chứng. Ngoài ra, một số giấy tờ khác bạn nhất định phải có là:
- Hộ chiếu, visa và I-94
Đây là bộ giấy tờ sẽ dính liền đến nhau và có giá trị quyết định đến việc bạn được hợp pháp ra vào nước Mỹ trong suốt một năm đầu kể từ ngày được cấp visa. I-94 là giấy tờ nhập cảnh bạn khai trên máy bay trước khi bước chân lên đất Mỹ và do nhân viên an ninh hàng không tại sân bay đầu tiên ở Mỹ bạn bước xuống đóng dấu và xác nhận. I-94 cực kỳ quan trọng.
Visa dù có ghi là một năm nhưng đó là thời gian bạn được phép ở Mỹ thôi. Còn lưu trú bao lâu là do I-94 quyết định. Trên I-94 sẽ cho biết thời gian bạn được ở lại Mỹ (thường là bằng với thời gian trên Visa, có khi ít hơn). Tuy nhiên sẽ có thêm một dòng đó là F1 D/S (F1 Duration Status), có nghĩa là khi hết thời gian trên I-94, bạn sẽ không bị trục xuất nếu bạn còn giữ được tình trạng Visa F1 (phụ thuộc I-20).
- I-20
Sau khi Visa hết hạn thì I-20 sẽ là tấm giấy thông hành cho bạn tiếp tục ở lại Mỹ. Điều quan trọng để làm được điều này là duy trì I-20 có hiệu lực (F1 status còn hiệu lực). Khi đó bạn sẽ được ở Mỹ hợp pháp miễn là không rời nước Mỹ dưới mọi hình thức.
Bộ giấy tờ Passport, Visa, I-94, I-20 nên được để chung với nhau vì chúng sẽ liên tục được yêu cầu xuất trình trong suốt chặng đường bay của bạn.
- Giấy khai sinh, khám sức khỏe, chứng minh nhân dân, giấy nhập học,…
Những giấy tờ này không nhất thiết là bản chính (ngoại trừ khám sức khỏe bằng tiếng anh) mà chỉ cần sao y, có dịch sang tiếng Anh và công chứng. Những loại này cũng quan trọng không kém vì khi ở cửa khầu sân bay, nhân viên an ninh có thể yêu cầu bạn xuất trình cho họ xem (đặc biệt là giấy khám sức khỏe).
Tiền bạc
Theo quy định của nhà nước Việt Nam thì công dân Việt Nam khi xuất cảnh có thể mang theo tối đa là 5000 đô la Mỹ. Nên để tiền chung một chỗ, đừng chia nhỏ ra. Công nghệ an ninh ở sân bay rất cao, do đó họ chỉ cần soi qua độ dày xấp tiền là biết được bạn mang theo bao nhiêu. Đừng chia nhỏ vì sẽ khiến họ không chắc được số lượng và bạn sẽ bị giữ lại để kiểm tra riêng, rất phiền phức. Bên cạnh đó, trước khi đi nên đổi khoảng 100 đô là sang tiền lẻ mệnh giá 1 hoặc năm đô la đề dùng dọc đường.
Quần áo
Học tập một thời gian dài tại Mỹ có thể khiến bạn muốn mang cả tủ quần áo theo mình lên đường. Nhưng mỗi nơi có khí hậu một khác. Với số kg hành lý có hạn, bạn không cần lo xa mang quần áo mùa đông đến những bang nhiệt độ nóng quanh năm, chẳng hạn như Houston, Texas. Hơn nữa, để chống chọi với những nơi có tuyết với nhiệt độ âm khắc nghiệt, quần áo mùa đông mua tại nước ngoài chắc chắn tốt hơn hẳn, vừa hợp gu vừa không bị hư hỏng.
Dụng cụ học tập
Những đồ dung học tập như bút chì, thước kẻ, vở, máy tính, laptop, kim từ điển ở nước ngoài, cụ thể hơn là Mỹ, tương đối đắt. Vì thế cũng nên mang theo để sử dụng thời gian đầu. Đặc biệt là những sinh viên các ngành khoa học và kế toán cần tính toán nhiều, máy tính rất cần thiết, vì vậy hãy mua tại Việt Nam trước khi đi du học.
Thuốc và các dụng cụ cá nhân
Du học đồng nghĩa với việc sẽ không có ba mẹ ở bên chăm sóc lúc ốm đau. Vì vậy khi mới sang Mỹ, bạn nên trang bị cho mình một hộp thuốc mini các loại thuốc thông dụng trị cảm, ngậm ho, đau đầu… Ngoài ra, mang nhiều các đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải… sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản không nhỏ bởi chi phí sinh hoạt bên Mỹ rất đắt đỏ.
Chất lỏng nói chung như nước, sữa, dầu gội và vật nhọn sẽ bị máy soi phát hiện và bị cấm mang lên máy bay. Nhưng khi bạn vào khu vực phòng chờ lại có thể thoải mái mua nước, nước hoa… ở các quầy hàng giải khát, mỹ phẩm. Nếu muốn mang mỹ phẩm lên máy bay thì chai lọ đựng chúng phải dưới 100 ml và không quá 10 chai, đựng trong túi nilon trong suốt.Vậy nên nếu có đem theo những vật dụng cần thiết như dao gọt hoa quả, kéo nhỏ hay mỹ phẩm và sữa dưỡng thể dạng lỏng, tốt nhất bạn nên để vào hành lý kí gửi.
Quy định về hành lý
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia kiểm soát an ninh xuất nhập cảnh chặt chẽ. Bởi vậy khi chuẩn bị hành lý sang Mỹ, bạn nên nắm chắc một số quy định tại các sân bay và hải quan để tránh rắc rối trên đường.
Theo quy định của hải quan Mỹ, bạn được kí gửi 2 vali, mỗi vali 23 kg. Tổng chiều rộng, chiều dài và chiều cao của hành lý nhỏ hơn 158 cm. Về hành lý xách tay, mỗi hãng hàng không có một quy định riêng. Thông thường hành lý xách tay không được vượt quá 7 kg. Vì vậy hãy đảm bảo hành lý của mình không vượt quá quy định, nếu không bạn sẽ phải bỏ hành lý thừa tại sân bay hoặc tính thêm tiền cho số hành lý thừa.
Bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý để đối phó với một số rắc rối liên quan đến hành lý như sau:
- Bị yêu cầu kiểm tra hành lý sau khi đi qua máy quét anh ninh sân bay: Điều này là hoàn toàn bình thường và không nên lo lắng nhiều. Bạn nên bình tĩnh, làm theo yêu cầu của nhân viên an ninh. Thông thường họ sẽ trực tiếp mở hành lý của bạn. Họ không xóc tung hành lý lên, máy soi đã chỉ chính xác vị trí vật dụng khả nghi của bạn. Do đó, hành lý xách tay phải do chính bạn sắp xếp để bạn biết được trong va ly của mình có gì và trả lời câu hỏi của nhân viên an ninh. Điều quan trọng là bình tĩnh và tự tin.
- Thất lạc hành lý ký gửi: Lại một điều rất ư bình thường ở hệ thống sân bay Mỹ. Việc bạn cần làm đó là đi tới khu vực “Lost and Found” (Thất lạc và tìm thấy) ở sân bay. Làm theo những yêu cầu của họ để mô tả hành lý và cung cấp thông tin cá nhân. Khoảng một tuần sau hành lý sẽ được gửi trả lại cho bạn (hoàn toàn miễn phí).
- Không tìm được cổng để thực hiện check-in chuyến bay kế tiếp hay bị lạc đường: Sân bay ở Mỹ khá lớn nhưng bạn chỉ cẩn để ý thông tin trên vé máy bay. Nhìn những bảng chỉ dẫn là có thể dễ dàng tìm được đường đi. Nếu không chắc thì không nên tự ý đi, hãy hỏi bất kỳ nhân viên sân bay nào (thậm chí là cả nhân viên lau dọn vệ sinh), họ sẽ vui vẻ chỉ cho bạn, nếu cần, họ sẽ trực tiếp dẫn bạn đi. Một điều hữu ích khi hỏi những nhân viên này là khi bạn gần trễ chuyến bay, họ có thể thông báo cho bộ phận bay chờ bạn thêm một chút.
Tóm lại, một khi bạn đặt chân xuống một sân bay bất kỳ nào đó tại Mỹ, nếu gặp bất cứ khó khăn gì thì hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ nhân viên sân bay và bạn sẽ được hỗ trợ tận tình. Hãy cẩn thận và luôn để mắt tới hành lý của mình. Một điều nữa là đừng cố gắng bắt chuyện với người lạ, không giữ đồ cho họ hay nhờ họ giữ đồ cho bạn. Sau một chuyến bay dài, hãy tranh thủ tối đa thời gian giải quyết mọi thủ tục nhập cảnh và di chuyển về nơi lưu trú để nghỉ ngơi. Chúc các bạn sẽ hội nhập thật nhanh nhé!