Làn sóng công nghệ 4.0 tràn vào Việt Nam đã một lần nữa biến công nghệ thông tin trở thành một trong những nhóm ngành hàng đầu được các bạn trẻ lựa chọn theo học. Tuy nhiên, sự phát triển của nhóm ngành này tại Việt Nam đã bị các quốc gia phát triển bỏ lại phía sau với khoản cách hơn 10 năm phát triển. Điều này dẫn đến việc rất đông các bạn trẻ đam mê công nghệ khi du học Mỹ đã chọn theo học ngành này như một cách bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.
Du học Mỹ, nên học gì trong ngành Công nghệ thông tin?
Công nghệ thông tin (CNTT) là sự tổng hợp của các ngành như toán học, lập trình, kĩ thuật, tâm lý học và ngôn ngữ học. Ngành học này sẽ là hướng đi tuyệt vời cho những ai có khả năng sáng tạo tốt cũng như hứng thú với tin học và có kĩ năng vững chắc về giải quyết các vấn đề nảy sinh. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy hiện nay, CNTT là yếu tố không thể thiếu trong mọi các lĩnh vực thiết yếu của đời sống như giao thông, kinh tế, giải trí, truyền thông, …
Ngành học này có rất nhiều các chủ đề mà sinh viên và du học sinh có thể lựa chọn tùy theo sở thích của mình. Ngành học tập trung chủ yếu về hệ thống máy tính và phát triển các phần mềm. Đây là ngành học mang tính ứng dụng cao bởi vậy đòi hỏi bạn phải thực hành thật nhiều song song với quá trình học lí thuyết. Và tri thức về công nghệ thông tin không ngừng đổi mới, cập nhật một cách nhanh chóng vì vậy theo học ngành này bạn cũng cần có một tinh thần tự học, tự tìm tòi khám phá …
Ngành học bao gồm:
- Khoa học máy tính (Computer science):Là ngành học liên quan đến thiết kế phần mềm, những thuật toán..
- Trí tuệ nhân tạo (AI): Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính.Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi.
- Kỹ thuật máy tính (computer engineering): Chuyên ngành đòi hỏi kỹ sư tập trung vào cả 2 khía cạnh phần cứng và phần mềm của công nghệ và họ sẽ xem cả 2 cùng tương tác với nhau.
Tại sao học ngành Công nghệ thông tin tại Mỹ?
Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ là đất nước đứng thứ hai trên thế giới có số du học sinh Việt Nam theo học nhiều nhất. Hệ thống giáo dục ở đây có rất nhiều điểm khác biệt so với nước ta, nhất là đối với ngành CNTT. Thông thường, mỗi lớp chỉ có khoảng 10 đến 20 sinh viên. Đây là cơ hội vô cùng tốt giúp các bạn trẻ thể hiện bản thân cũng như gần gũi hơn với không chỉ một mà rất nhiều giảng viên khác trong trường.
Khi tiếp cận một vấn đề, nền giáo dục Hoa Kỳ hướng cho sinh viên theo các bước: quan sát, phân tích, nêu ra quan điểm và cách xử lý của bản thân hoặc theo nhóm. Việc trình bày trước một lượng người nhất định đòi hỏi bạn phải có kỹ năng mềm và am hiểu nhất định giúp bạn tự tin hơn trong học tập và cuộc sống sau này.
Theo báo cáo của diễn đàn kinh tế thế giới, Mỹ đứng thứ năm về phát triển công nghệ thông tin trong 138 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Các trường cao đẳng và đại học kết hợp với các tập đoàn máy tính và công nghệ hàng đầu đặt tại Hoa Kỳ (như Intel, Microsoft, Apple, Google) thiết kế chương trình thực tập cho sinh viên (bao gồm sinh viên quốc tế).
Được làm việc và trải nghiệm thực tế tại các tập đoàn công nghệ và máy tính hàng đầu thế giới là điều mong ước của sinh viên và là điểm cộng hoàn hảo trong C.V của các bạn. Đây chính là lí do nước Mỹ luôn thu hút các sinh viên yêu thích ngành này đến đây học tập.
Ngành Cử nhân CNTT xếp hàng đầu trong Top 20 ngành phổ biến được trả lương cao tại Mỹ, với mức lương khởi điểm 56.200 USD/năm. Một thống kê khác về mối quan hệ giữa nghề nghiệp và mức lương bình quân, chuyên gia hỗ trợ máy tính có mức lương 49.930 USD/năm, quản trị hệ thống mạng: 72.200 USD/năm, nhà khoa học máy tính: 103.150 USD/năm.
Nhìn chung trong thời buổi số hóa này, có thể nói công nghệ thông tin chính là một trong những ngành “hot” nhất và là sợi dây kết nối mọi thứ trên toàn cầu. Vậy thì còn nơi nào để theo học tốt hơn nước Mỹ, nơi hình thành và cho ra đời các công ty công nghệ đứng đầu thế giới hiện nay.