GD&TĐ -8/4/2014, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận – Chủ tịch Hội đồng SEAMEO – dẫn đầu đoàn công tác lên đường thăm Brunei Darussalam.
Giáo dục Vương quốc Brunei
Giáo dục ở Brunei Darussalam miễn phí cho mọi công dân và những người thường trú của Brunei Darussalam. Tỷ lệ biết chữ ở vương quốc này là 92,5% vào năm 2001.
Năm 1984 một chính sách giáo dục song ngữ – dwibahasa – đã được áp dụng để đảm bảo rằng học sinh có thể sử dụng tốt cả tiếng Anh và tiếng Malaysia.
Năm 1985, hệ thống giáo dục quốc dân đã sử dụng kết hợp tiếng Anh và tiếng Malaysia như ngôn ngữ giảng dạy trong trường học.
Brunei có hệ thống giáo dục từ nhà trẻ đến đại học theo cấu trúc 7 – 3 – 2 – 2: 7 năm tiểu học – kể cả 1 năm tiền học đường, 3 năm trung học cơ sở, 2 đến 3 năm trung học phổ thông hoặc giáo dục chuyên nghiệp hoặc dạy nghề và 2 năm tiền đại học.
Cụ thể: Trước tuổi đi học, trẻ em Brunei được chăm sóc tại các nhà trẻ. Đến 5 tuổi, các cháu được làm quen với việc học tập. Đó là giai đoạn tiền học đường.
Giáo dục tiểu học kéo dài 6 năm từ lớp 1 đến lớp 6. Từ lớp 1 đến lớp 3, học sinh học bằng tiếng Malaysia. Từ lớp 4 trở đi có thêm ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh.
Giáo dục trung học gồm 5 năm hoặc 6 năm: Sơ trung từ lớp 7 đến lớp 9, cao trung gồm 2 hệ: hệ 2 năm (từ lớp 10 đến lớp 11) và hệ 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12).
Được biết, Brunei chỉ có một trường Đại học Quốc gia đặt tại Thủ đô (University of Brunei Darussalam – UBD). Trường được thành lập năm 1985.
Hiện nay, trường có 466 giảng viên trong đó 212 giảng viên là người nước ngoài, số sinh viên đại học của trường là 3.027, thạc sĩ và NCS là 774, trong đó có 368 sinh viên quốc tế.
Nhờ có thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ, Chính phủ Brunei có điều kiện thực hiện một số chính sách phúc lợi xã hội cao như: Công dân không phải đóng thuế thu nhập; giáo dục, chữa bệnh… không mất tiền; cấp học bổng cho học sinh giỏi đi học ở nước ngoài; cho nhân dân vay tiền với lãi suất thấp để kinh doanh, sản xuất hay mua nhà ở với giá rẻ.
Điểm nhấn giáo dục khu vực Đông Nam Á tại Brunei
Trung tâm Khu vực về Giáo dục Chuyên nghiệp và Dạy nghề của SEAMEO (SEAMEO VOCTECH) được thành lập ngày 28/8/1990 tại Brunei Darussalam là một trong những Trung tâm và Mạng lưới của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO). SEAMEO VOCTECH triển khai các hoạt động nhằm đạt mục tiêu thúc đẩy hợp tác giáo dục, khoa học y tế và văn hóa trong khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu thành lập Trung tâm là hỗ trợ các quốc gia thành viên SEAMEO nhận diện và giải quyết các vấn đề chung trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động phát triển chuyên môn, nghiên cứu và tư vấn cũng như phổ biến thông tin.
Cơ quan hoạch định chính sách của SEAMEO VOCTECH là Hội đồng quản trị (GB) với nhiệm vụ quyết định các chính sách hoạt động của Trung tâm, phê duyệt ngân sách và các chương trình hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch phát triển 5 năm đã được Hội đồng SEAMEO phê duyệt, tiến hành rà soát và đánh giá thường niên các chương trình và ngân sách cũng như bổ nhiệm Giám đốc trung tâm.
Mỗi quốc gia thành viên SEAMEO sẽ có một cán bộ giáo dục cấp cao tham gia Hội đồng quản trị của Trung tâm. Các thành viên của Hội đồng quản trị được Bộ trưởng Giáo dục của nước mình đề cử và được Hội đồng SEAMEO bổ nhiệm. Giám đốc Ban thư ký SEAMEO (SEAMES) và Giám đốc SEAMEO VOCTECH đóng vai trò là các thành viên mặc nhiên của Hội đồng.
Chịu trách nhiệm điều hành SEAMEO VOCTECH là Giám đốc Trung tâm do Chủ tịch Hội đồng SEAMEO bổ nhiệm. Giúp việc cho Giám đốc Trung tâm là một Phó Giám đốc Hành chính và Phó giám đốc Đối ngoại
Hợp tác giáo dục Việt Nam – Brunei Darussalam
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Brunei phần lớn thông qua các hoạt động đa phương.
Thông qua Trung tâm Đào tạo nghề khu vực của SEAMEO (SEAMEO VOTECH), hàng năm, chính phủ Brunei cung cấp cho các quốc gia ASEAN (trong đó có Việt Nam) nhiều học bổng theo các khóa học chính quy tại Trung tâm và cung cấp các khóa đào tạo tại chỗ cho hàng trăm học viên.
Trong vài năm trở lại đây, Chính phủ Brunei đều thông báo cấp học bổng đi học tại các trường đại học của Brunei cho công dân Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa có nhiều thông tin về giáo dục của Brunei việc tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2013, trong khuôn khổ Đề án 2020, 3 giảng viên dạy tiếng Anh của Việt Nam đã được cử sang học tại Brunei trong 11 tuần.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ thỏa thuận trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học FPT (Việt Nam) và Trường Đại học Quốc gia Brunei Darussalam ký tháng 7/2013, mỗi năm, mỗi trường gửi 5 sinh viên của mình sang học 1 học kỳ (khoảng 4 – 5 tháng) tại trường đối tác.
Kể từ tháng 9/2013 đến nay, có 10 sinh viên Brunei đang theo học một số môn tại Trường Đại học FPT (Việt Nam) và có 1 sinh viên của Trường Đại học FPT đang theo học tại Brunei Darussalam từ tháng 1/2014.
Kỳ vọng hợp tác giáo dục Việt Nam – Brunei
Tăng cường trao đổi học sinh, sinh viên và giáo viên giữa hai nước. Phía Việt Nam sẵn sàng đón các đoàn giáo viên của Brunei sang Việt Nam trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm dạy toán và các môn khoa học cho học sinh phổ thông;
Tăng cường chia sẻ thông tin, tổ chức hội thảo, triển lãm giới thiệu giáo dục để người Việt Nam biết đến giáo dục Brunei hơn và ngược lại.
Phía Brunei tạo điều kiện để tiếp nhận các giảng viên có năng lực của Việt Nam làm chuyên gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo của Brunei.
(Nguồn: giaoducthoidai.vn)