Văn hóa doanh nghiệp được xem là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp, cần được xây dựng và duy trì tuy nhiên lại không nhiều StartUp chú ý đến vấn đề này. Vậy vì sao cần phải tạo ra văn hóa doanh nghiệp dù là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp mới khởi nghiệp, hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé.
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Văn hóa doanh nghiệp được hiểu là tổng hòa của quan niệm giá trị, tiêu chuẩn đạo đức, triết lý kinh doanh, hành vi, ý tưởng kinh doanh,… được mọi thành viên trong doanh nghiệp chấp nhận và tuân theo. Đây là toàn bộ giá trị được xây dựng trong suốt quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp đó. Văn hóa doanh nghiệp sẽ chi phối suy nghĩ, hành vi của toàn bộ nhân viên nhằm hướng đến các mục tiêu chung doanh nghiệp đã đề ra.
Tại sao cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Có một vấn đề đặt ra đó là tại sao phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, dù chỉ là doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ? Câu trả lời như sau:
- Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố chi phối hầu hết mọi kết quả của doanh nghiệp: hãy thử nghĩ nếu không có văn hóa doanh nghiệp rõ ràng thì tập thể đó sẽ giống như một con người không có định hướng mục tiêu cuộc đời và không biết đi về đâu.
- Các công ty phát triển lớn mạnh đều có nền văn hóa doanh nghiệp vững chắc, tuổi đời của một doanh nghiệp có thể lớn hơn rất nhiều lần tuổi đời của người lãnh đạo công ty đó. Đó cũng được xem như là giá trị trường tồn của doanh nghiệp.
Cũng với chủ đề chia sẻ về văn hóa doanh nghiệp tại sự kiện “You are Level Up”, Anh Laevis Nguyễn – CEO của South Edge Digital đã đề cập: “South Edge Digital là một StartUp mới và Anh rất đề cao văn hóa doanh nghiệp. Anh định hướng và xây dựng một môi trường làm việc năng động, thân thiện, phá bỏ rào cản giữa sếp và nhân viên, để nhân viên tự do sáng tạo, phát triển. Mỗi nhân viên South Edge Digital đều được rèn giũa tinh thần của một chiến binh thực thụ, sẵn sàng chiến đấu trong mọi cuộc chiến”.
Xem thêm: Mừng sinh nhật South Edge Group và kỷ niệm 10 năm thành lập DaisyWebs
Bí quyết xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho StartUp
Văn hóa doanh nghiệp được xem là một thứ vũ khí lợi hại mà doanh nghiệp sở hữu. Nếu doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng được văn hóa doanh nghiệp ngay từ thời điểm sơ khởi, đó sẽ là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp có định hướng phát triển rõ ràng, kết nối và khơi gợi sự trung thành của nhân sự đối với công ty. Vậy làm sao để có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho StartUp?
Hãy là một nhà quản trị tài ba
Là nhà sáng lập, bạn là mắt xích quan trọng nhất để kết nối nhân viên lại với nhau, bạn cần thấu hiểu những kỳ vọng, mong muốn của họ để giải quyết thấu đáo mọi vấn đề mà nhân viên gặp phải. Điều này cho thấy bạn là một nhà quản trị có tầm nhìn, một người sếp tâm lý, biết quan tâm và khuyến khích nhân viên hoàn thành tốt công việc.
Hãy thử việc nhân viên trong ít nhất 2 tháng
Các doanh nghiệp nên thử việc nhân viên mới ít nhất trong 2 tháng. Đây sẽ là khoảng thời gian lý tưởng cho doanh nghiệp kiểm tra năng lực làm việc của ứng viên, ngược lại các ứng viên cũng có đủ thời gian để cảm nhận về môi trường doanh nghiệp xem có phù hợp với kỳ vọng và nên tiếp tục gắn bó hay không.
Tổ chức các hoạt động du lịch thường niên
Việc tổ chức các chuyến du lịch, teambuilding cho toàn bộ nhân viên công ty là hết sức cần thiết. Đây vừa là khoảng thời gian nghỉ ngơi vừa là hoạt động thiết thực để thắt chặt tình cảm đồng nghiệp, mọi người sẽ có cơ hội chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn.
Lan tỏa nụ cười và niềm vui tích cực
Công việc nào cũng có áp lực riêng, việc tạo cho nhân viên một môi trường làm việc vui vẻ, thoải mái sẽ giúp họ có thể giải tỏa được căng thẳng, tạo được nhiều cảm hứng để nảy sinh ý tưởng phục vụ cho công việc. Hãy để niềm vui tích cực lan tỏa, hiệu suất công việc tự khắc để được nâng lên.
Như vậy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Nó mang lại rất nhiều giá trị cho doanh nghiệp, tạo động lực làm việc cho nhân viên và hơn cả là mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hy vọng rằng qua bài viết này, các StartUp nhỏ sẽ có sự nhìn nhận khác về việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho chính công ty của mình. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ là nền tảng tốt để giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh thương hiệu và định hướng phát triển bền vững trong tương lai.