“Khác biệt hay là Chết ” – Với xu hướng hiện đại ngày nay, tốc độ ra đời và phát triển của các thương hiệu ngày càng dồn dập. Để không trở thành một hạt cát bé nhỏ giữa sa mạc đầy cạnh tranh thì các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến yếu tố cá tính và bản sắc của thương hiệu mình. Vậy cá tính thương hiệu là gì và làm sao để xây dựng cá tính thương hiệu, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Cá tính thương hiệu là gì?
Cá tính thương hiệu được hiểu là việc gán tính cách/đặc điểm của con người vào một thương hiệu để nhằm tạo ra sự khác biệt. Nghiên cứu cho thấy rằng khách hàng có khả năng mua sản phẩm của một thương hiệu nào đó nếu cá tính của nó tương tự như tính cách của họ. Khách hàng sẽ dễ dàng nhận thấy sự đồng điệu giữa họ với giá trị của sản phẩm, từ đó phát sinh nhu cầu mua, sử dụng và trung thành với sản phẩm đó.
Cũng bàn về chủ đề này, tại sự kiện “You are Level Up” được tổ chức vào ngày 8/2/2020 vừa qua, Anh Laevis Nguyễn – Giám đốc công ty South Edge Digital kiêm Chủ tịch Vietnam SEO Association (VSAS) đã chia sẻ rằng: “Việc xây dựng cá tính thương hiệu là điều quan trọng nhất để tạo nên sự khác biệt trên thị trường và đó cũng là cách để gây ấn tượng mạnh với khách hàng, tạo giá trị chuyển đổi từ khách hàng đối với sản phẩm của doanh nghiệp.”
Có thể bạn quan tâm: Inbound Marketing – Lời giải cho bài toán truyền thông doanh nghiệp
3 bước xây dựng cá tính thương hiệu
Trong thời đại 4.0, hàng ngày khách hàng được tiếp cận với hàng nghìn thương hiệu khác nhau, điều này làm cho cuộc đua giữa các doanh nghiệp trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Vì vậy việc xây dựng cá tính thương hiệu là hoàn toàn cần thiết, bởi thương hiệu là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của thương nghiệp. Để đứng vững trên thị trường, các doanh nghiệp cần xây dựng cá tính thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình. Dưới đây là 3 bước để xây dựng nên cá tính thương hiệu mà bạn có thể tham khảo.
Xác định khách hàng mục tiêu của thương hiệu
Để xác định được tập khách hàng bạn cần phải nghiên cứu thị trường, phác thảo chân dung khách hàng mục tiêu (họ là ai, nghề nghiệp là gì, độ tuổi phổ biến nhất, sở thích và hành vi đặc trưng của khách hàng). Ngoài ra bạn phải chú trọng đến việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, cần nhanh nhạy nắm bắt và dự đoán xu hướng thị trường để có thể mô tả được cá tính thương hiệu một cách chính xác nhất.
Định vị thương hiệu
Để có cơ sở xây dựng cá tính thương hiệu cho doanh nghiệp việc cần làm tiếp theo là định vị thương hiệu. Vậy định vị thương hiệu là gì? Khái niệm này được hiểu là tập hợp các hoạt động nhằm tạo ra cho sản phẩm và thương hiệu một vị trí xác định (so với đối thủ cạnh tranh) trong tâm trí của khách hàng. Định vị thương hiệu cũng giúp doanh nghiệp xác định được tầm nhìn, sứ mệnh, logo, slogan, bộ nhận diện thương hiệu…Khi đã xác định được những giá trị cốt lõi, bạn cần phải lựa chọn những đặc điểm lý tưởng của thương hiệu để xây dựng được cho doanh nghiệp cá tính thương hiệu riêng.
Lựa chọn cá tính thương hiệu phù hợp
Dựa vào nghiên cứu nét cá tính của nhóm khách hàng mục tiêu và nét đặc trưng thương hiệu, bạn hãy lựa chọn từ ngữ để có thể đặc tả chính xác nhất cá tính thương hiệu của mình. Cần lựa chọn ngôn từ một cách cẩn trọng để có thể phù hợp với khách hàng và bản thân doanh nghiệp. Cá tính thương hiệu của bạn cần đảm bảo các yếu tố sau đây:
Phù hợp với đặc điểm của thương hiệu
Cá tính thương hiệu trước tiên phải phù hợp, thể hiện được màu sắc và tiếng nói của thương hiệu đó. Bởi vì thương hiệu là đồng nhất cho nên cá tính thương hiệu bạn xây dựng cần phải có sự nhất quán với những yếu tố khác liên quan đến doanh nghiệp (Ví dụ: logo, slogan,…), để không bị mâu thuẫn khi nói về cùng một thương hiệu.
Sự khác biệt
Trong một cuộc đua, người nào tạo ra cá tính thương hiệu khác biệt, khách hàng dễ dàng nhớ đến nhất khi phát sinh nhu cầu thì người đó là người chiến thắng sau cùng. Điều này có nghĩa là cá tính thương hiệu phải hoàn toàn khác biệt với đối thủ, lưu ý là không bao giờ được chọn nét cá tính giống với đối thủ nhất là khi đối thủ đó đã thành công và nổi tiếng.
Có khả năng biểu đạt
Bất kì cá tính nào bạn chọn cho thương hiệu cần có khả năng thể hiện dễ dàng và trọn vẹn ý nghĩa, dễ hình dung. Đó nên là “Hài hước”, “Hiện đại”, “Sáng tạo” … là những cá tính rõ ràng, và dễ biểu đạt thành công. Do vậy, đơn giản hóa cá tính nhưng không giảm giá trị của cá tính thương hiệu là nhiệm vụ của bước này.
Phối hợp cá tính cùng hình ảnh minh họa
Thương hiệu cần có sự chính thống về mặt biểu đạt. Cần xem xét một cách kỹ càng để xây dựng được nét cá tính phù hợp, tạo hiệu quả khi kết hợp với nhau, tránh gây ra mâu thuẫn cho thương hiệu của bạn.
Xây dựng cá tính thương hiệu chưa bao giờ là điều dễ dàng và để khách hàng yêu mến thương hiệu của bạn là cả một quá trình dài, cần đầu tư nhiều công sức. Bạn hãy lên cho mình một kế hoạch để xây dựng cá tính thương hiệu riêng cho chính doanh nghiệp mình. Dám xây dựng cá tính khác biệt đó sẽ là yếu tố tiên quyết làm cho thương hiệu của bạn được định vị tốt trong tâm trí khách hàng. Đây sẽ là cầu nối để giữ chân khách hàng lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp, trung thành với thương hiệu và có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho nhiều khách hàng tiềm năng khác.
Xem thêm: SEO checklist kiểm tra công việc SEO website toàn tập A-Z